Tin tức

Nếp nghĩ phát triển ảnh hưởng đến thành công của học sinh như thế nào?

Trong hơn hai chục năm nghiên cứu về động lực học tập và sự thành công của học sinh, giáo sư Carol Dweck đại học Standfort và các cộng sự của bà đã khám phá ra nhân tố rất quan trọng và bà gọi là “mindset”, tạm dịch là nếp nghĩ. Nếp nghĩ là những niềm tin/niềm xác tín của cá nhân về trí thông minh, về năng lực/tài năng của chính họ. Có thể phân chia thành hai loại nếp nghĩ: Nếp Nghĩ Phát Triển (Growth Mindset) và Nếp Nghĩ Cố Định (Fixed Mindset).

Người có growth mindset tin rằng họ có thể phát triển trí thông minh, khả năng và tài năng của họ. Cái nhìn này giúp kiến tạo sự yêu thích học hỏi, nỗ lực cho phát triển và bền bỉ/kiên trì khi gặp trở ngại. Những người này xem nỗ lực là một chìa khoá của thành công. Ngược lại, người mang fixed mindset xác tín rằng những đặc tính cơ bản như trí thông minh và năng lực xem như không thay đổi, không thể phát triển thêm; rằng mỗi người có thể học hỏi điều mới nhưng sự thông minh, các năng lực riêng thì (gần như) giữ nguyên theo tháng năm; sinh ra được tạo hoá cho thông minh thế nào thì sẽ tiếp tục như thế. Theo họ, một mình tài năng tạo thành công; còn nỗ lực/cố gắng chỉ có vai trò phụ, chứ không thể là một chiến lược hiệu quả giúp con người đạt được năng lực trọn vẹn.

Các công trình nghiên cứu của bà GS. Dweck đã làm nổi bật vị thế của growth mindset. Đấy là lý do các nhà giáo dục đã đang khuyến cáo chớ khen con thông minh mà hãy tập khen con về nỗ lực, như Ephata cũng đã trình bày trong một bài viết trước đây. Tuy nhiên cần chú ý rằng, không phải chỉ khen con về nỗ lực là có được growth mindset! Khen nỗ lực mới chỉ là một góc cạnh. GS. Dweck đã đưa ra bảng so sánh dưới đây giữa nếp nghĩ phát triển và nếp nghĩ cố định, qua đó cho thấy rõ hơn những khiá cạnh khác của growth mindset:

Nếp nghĩ có ảnh hưởng như thế nào đến động lực và thành quả học tập của học sinh?

Trong công trình đã nhắc ở trên, một nghiên cứu trên hàng trăm học sinh lớp 7 trong môn toán đã cho kết quả như sau: Các học sinh có nếp nghĩ phát triển có động lực học tập cao hơn, biết cố gắng hơn và gặt hái kết quả tốt hơn các học sinh có nếp nghĩ cố định; và khoảng cách điểm giữa 2 nhóm học sinh này càng ngày càng tăng.

Trong một nghiên cứu khác của công trình này, Dweck và cộng sự đã chia học sinh thành hai nhóm. Một nhóm – gọi là nhóm đối chứng – được dạy một số kỹ năng học tập như ghi nhớ, một nhóm được dạy về growth mindset và cách vận dụng nếp nghĩ này trong học tập. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc việc dạy growth mindset cho học sinh giúp tăng động lực và thành tích của học sinh. Kết quả là số học sinh biết cố gắng và hăng say học tập trong nhóm được đào tạo growth mindset nhiều gấp 3 lần số học sinh kiểu này trong nhóm đối chứng. Khi kết thúc khoá học, nhóm đối chứng có điểm số hơi giảm, trong khi nhóm “growth mindset” có điểm tăng đều.

Một nghiên cứu thực hiện ở Hoa Kỳ còn cho thấy việc dạy “growth mindset” còn giúp học sinh nữ thu ngắn khoảng cách học tập trong môn toán so với học sinh nam. Học sinh da màu được huấn luyện “growth mindset” cũng tiến bộ hơn và rút ngắn độ chênh lệch học tập trong môn toán đối với học sinh da trắng.

Những công trình nghiên cứu ở trên đã cho thấy ảnh hưởng rất rõ và rất tích cực của growth mindset, của việc dạy growth mindset đến động lực và thành tích học tập của học sinh. Trong các nghiên cứu này, việc dạy growth mindset được thực hiện trong từng trường và theo từng lớp học. Nhóm các nhà khoa học thuộc đại học Standfort và đại học Texas vừa mới thử nghiệm dạy trực tuyến (online) growth mindset cho số đông học sinh, cụ thể cho 1594 học sinh của13 trường ở những nơi khác nhau về địa lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc dạy growth mindset cho số đông qua online cũng hiệu quả và tích cực.

Như vậy, những công trình nghiên cứu trong mấy chục năm qua chỉ ra: Khi người ta hiểu rằng họ có thể phát triển trí thông minh qua học tập thì họ được tạo hứng khởi, có thêm động lực học tập, sẵn sàng đối diện thử thách, đánh giá cao việc học, xem trọng cố gắng nỗ lực, kiên trì trong khó khăn, và họ hặt hái thành công nhiều hơn. Nếu nhìn kỹ các đặc tính của growth mindset thì có thể thấy growth mindset có hoặc liên quan đến những phẩm chất giúp thành nhân. Một điều quan trọng là, có thể dạy growth mindset cho học sinh (chứ không phải đó là một phẩm chất cố định, tạo hoá cho ai người đấy có). Và dạy growth mindset sẽ giúp em thành công và thành nhân.

(Sưu tầm) 


Hỗ trợ trực tuyến